Trang chủ•Tin tức
SẢN NHI SÓC TRĂNG TIẾP NHẬN ĐIỀU TRỊ NHIỀU TRƯỜNG HỢP BỆNH TAY CHÂN MIỆNG VÀ SỐT XUẤT HUYẾT NẶNG
Hiện nay, tình hình bệnh tay chân miệng và sốt xuất
huyết đang diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói
riêng, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng tính
từ đầu năm đến ngày 09/7/2023: có 1.614 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue; 86 trường
hợp mắc sốt xuất huyết Dengue nặng; 457 ca mắc
tay chân miệng; 14 ca mắc tay chân miệng nặng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện chuyên
khoa Sản Nhi tiếp nhận và điều trị cho 826 trường hợp bệnh sốt xuất huyết (trong
đó, có 35 trường hợp thở máy); và 104 trường hợp bệnh tay chân miệng (trong đó,
có 01 trường hợp lọc máu, 02 trường hợp thở máy).
Bé mắc bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị tại Khoa HSTC&CĐ nhi
Với số lượng bệnh đông đã gây quá tải cho bệnh viện; các bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc hết công suất; để ứng phó với lượng bệnh đông và những trường hợp nặng, bệnh viện đã bố trí đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, nhân lực để đáp ứng kịp thời.
Bé đang khám bệnh tay chân miệng
Song song, với công tác điều trị bệnh viện cũng làm tốt
công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người nhà bệnh nhân, lồng ghép vào
các buổi họp sinh hoạt hội đồng người bệnh; các bác sĩ khám bệnh hàng ngày cũng
tư vấn cho người nhà về chế độ ăn uống, cách theo dõi và chăm sóc trẻ bệnh,…
bên cạnh đó, bệnh viện còn tuyên truyền qua phát loa nội viện, trên trang thông
tin điện tử, facebook; các bác sĩ còn tham gia tọa đàm trực tiếp trên Đài Phát
thanh – Truyền hình Sóc Trăng. Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình thực
hiện phóng sự và phát trên sóng phát thanh, truyền hình về bệnh tay chân miệng,
sốt xuất huyết; tổ chức các lớp tập huấn cho nhân viên tại bệnh viện và nhân
viên y tế tại tuyến cơ sở về chăm sóc và điều trị bệnh tay chân miệng, sốt xuất
huyết; tham gia đầy đủ các buổi bình bệnh án với tuyến trên;…
Theo BSCKII. Huỳnh Chí Bình – Trưởng Khoa nhiễm nhi
cho biết từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận, điều trị nhiều trẻ bệnh sốt xuất
huyết và tay chân miệng, lượng bệnh nhập ngày càng đông, tháng sau cao hơn
tháng trước; số ca nặng nhiều.
Bé đang điều trị bệnh tay chân miệng tại bệnh viện
Bệnh Sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng đều là bệnh truyền
nhiễm, bệnh lây lan rất nhanh; biểu hiện thường gặp là sốt, sau đó là phát ban.
Tuy nhiên đối với bệnh sốt xuất huyết có sốt, nổi ban màu đỏ; còn bệnh tay chân
miệng thường nổi hồng ban dạng bóng nước trên da, các nốt rải rác trong miệng,
trong lòng bàn tay, bàn chân. Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang
diễn biến phức tạp, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; các bậc phụ huynh nên
biết cách để phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cho trẻ:
· Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; đặc biệt người chăm sóc trẻ nên rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; vệ sinh hàng ngày các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà,... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu, như: có sốt, loét họng, xuất hiện bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
· Đối với phòng bệnh sốt xuất huyết: các bậc phụ huynh cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt; diệt lăng quăng bọ gậy; vệ sinh nhà cửa thông thoáng sạch sẽ, loại bỏ các nơi trú ẩn của muỗi,... Khi thấy trẻ bị sốt, chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết dưới da, đau bụng, nôn ói nhiều,… cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
PHÒNG QLCL-CTXH-CSKH