Trang chủ•Tin tức
PHẪU THUẬT NỘI SOI CHO BÉ GÁI 51 THÁNG BỊ LỒNG RUỘT
Sáng ngày 07/6/2023,tại
Khoa Cấp cứu Bệnh viện chuyên khoa Sản-Nhi tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận bé gái
V.T.B.N,
51 tháng tuổi, ngụ tại Phường 7, TPST. Với chẩn đoán lồng ruột được
bác sĩ chỉ định nhập viện.
Theo ghi nhận từ
người nhà, đêm bé đang ngủ thì đột ngột đau bụng từng cơn dữ dội, đau ngày càng
tăng dần, người nhà đưa bé vào viện. Được biết, thời gian trước đây bé từng bị
lồng ruột, người nhà đã đưa vào viện
để tháo lồng ruột.
Tại bệnh viện, bé được siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết, sau khi Hội chẩn liên khoa, các Bác sĩ chẩn đoán lồng ruột và tiến hành tháo lồng bằng hơi. Tháo lồng bằng hơi thất bại, hội chẩn toàn viện và giải thích với gia đình cháu bé, thống nhất mổ nội soi để tháo lồng. Qua nội soi, phát hiện khối lồng to góc hồi manh tràng, bờ mạc treo hồi tràng nhiều hạch, ruột thừa bị cuốn vào khối lồng, viêm to, lòng ruột thừa nhiều sạn phân. Được xử lý, tháo lồng và cắt ruột thừa. Sau mổ, bé tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ: Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em. Lồng ruột có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi (chiếm tới 80% các trường hợp lồng ruột), trong đó gặp nhiều nhất là ở lứa tuổi 4 - 9 tháng, thường không rõ nguyên nhân. Đó là tình trạng một đoạn ruột lộn lại và chui vào lòng của đoạn ruột kế cận, gây nên tắc ruột cơ học mà cơ chế vừa do bít vừa do thắt gây ứ trệ thức ăn, dịch tiêu hóa, tắc nghẽn dòng máu nuôi ruột, có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử và thủng ruột.
Dấu hiệu thường gặp là trẻ khỏe mạnh, đột ngột đau bụng từng cơn
dữ dội làm trẻ ngưng mọi hoạt động hiện tại, khóc thét, có thể co gối vào ngực,
bấu víu cha mẹ hoặc giãy giụa,... Trẻ đau từng cơn một, sau cơn đau các triệu
chứng sẽ giảm, trẻ
có thể lại tiếp tục bú hoặc chơi,... nhưng các triệu chứng lại tái diễn sau
giây lát. Những cơn
đau này càng về sau càng kéo dài và thường xuyên hơn. Ngoài ra, trẻ có: nôn ói,
nếu muộn hơn có thể tiêu phân nhầy máu, bụng trướng, sốt, trẻ mệt lã do nhiễm
trùng, nhiễm độc. Càng để lâu càng nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, không phải mọi trẻ đều có tất cả triệu chứng kể trên. Ở trẻ em, các triệu chứng của một bệnh lý nào đó thường biểu hiện rất đa dạng, không trẻ nào giống trẻ nào. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý tình trạng sức khỏe của trẻ. Khi thấy bé có các dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng đưa ngay đến các cơ sở y tế để được bác sĩ xử trí kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
PHÒNG QLCL-CTXH-CSKH